- Trọn bộ bí quyết sử dụng dinh dưỡng và cách phòng trị bệnh trên cây lan rừng
- Lượt xem: 708
Phong lan luôn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa không chỉ vì vẻ đẹp thuần khiết, sang trọng của nó mà còn bởi cách thức chăm sóc cầu kỳ và tỉ mỉ giúp cho giá trị của một giò lan có thể từ vài trăm ngàn lên đến vài chục triệu đồng. Bài viết bên dưới sẽ đưa ra cái nhìn tổng thể về quy trình chăm sóc, chế độ dinh dưỡng và cách phòng và trị bệnh thường gặp khi trồng lan rừng một cách khoa học và đúng đắn nhất.
- Thông tin sản phẩm
Lan rừng cần gì để phát triển và ra hoa tươi tốt
Nguyên tắc chung trong chế độ dinh dưỡng cho lan rừng
Nguyên tắc chung của chế độ dinh dưỡng cho lan rừng để lan sinh trưởng và phát triển thật là là chăm sóc, tưới nước, bón phân đầy đủ và khoa học. Tùy theo từng giai đoạn phát triển thì nhu cầu dinh dưỡng của lan sẽ khác nhau. Cần đảm bảo chăm bón theo phương châm cho ăn ít nhưng đều đặn và thường xuyên.
Tùy theo từng loại lan thì việc lựa chọn phân bón và tỷ lệ phân bón cũng sẽ khác nhau và cần cân đối cho phù hợp. Những chất dinh dưỡng cần thiết cho lan rừng có thể kể đến như: Đạm, Kali, Lân, Canxi, Lưu huỳnh, Magie, các khoáng chất và Vitamin, phân hữu cơ, các chất điều hòa sinh trưởng… đóng vai trò khác nhau trong quá trình sinh trưởng cho lan.
Bón phân cho lan nên tuân thủ theo đúng 3 nguyên tắc: đúng loại phân và đúng giai đoạn, đúng nồng độ và liều lượng, đúng mùa vụ và giờ giấc.
Các giai đoạn phát triển của lan tính từ khi cấy mô đến khi trổ hoa thì được chia thành 5 giai đoạn: cấy mô đến tách cây con, cây con ra vườn ươm, cây con trồng ở vườn sản xuất đến khi trưởng thành, cây bắt đầu đơm hoa, hoa nở toàn toàn.
Các loại chất dinh dưỡng và tác động của chúng lên sự phát triển lan rừng
Có 9 loại chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của lan rừng. Cụ thể như sau:
Đạm
Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng bậc nhất với lan rừng, là chất giúp tăng trưởng thân và lá nhanh chóng và tạo điều kiện để cây có thể hút các loại chất dinh dưỡng khác như P205 và K2O.
Việc bổ sung đạm đầy đủ phải xuyên suốt trong quá trình phát triển của lan. Việc thiếu đạm sẽ khiến lan kém phát triển, thân cây ốm yếu, dễ sinh bệnh, lá nhỏ kém xanh tốt, chậm ra hoa.
Kali
Kali đóng vai chính trong việc thúc đẩy lan rừng hút đạm và tăng tốc độ ra chồi, đọt mới. Kali giúp tăng cường hoạt động vận chuyển nước và các chất dinh dưỡng đi nuôi cây, dự trữ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng chống lại sâu bệnh. Ngoài ra, việc bón đủ Kali sẽ hỗ trợ lan ra hoa nhiều và màu sắc hoa đẹp tự nhiên.
Lan rừng thiếu kali sẽ có dấu hiệu nhưng phát triển, lá thun, thân lùn, lá vàng và thân lan khô và ngưng phát triển dần rồi chết.
Lan rừng thừa kali sẽ khiến lá non bị héo úa, lá già bị vàng nâu và cháy khô, khiến cây rễ rụng hoa.
Lân
Sau đạm thì phân lân là loại dinh dưỡng quan trọng thứ 2 cho lan rừng. Lân giúp cho hoa lan dễ dàng tổng hợp protein, điều hoà các hoạt động ra rễ, nảy mầm và ra hoa.
Lan rừng thiếu lân thân cây sẽ bị ngắn, sức đề khoảng kém, lá xanh thẫm hoặc xanh tím, hoa và rễ đều ra chậm hoặc không ra khoa. Cây thừa lân sẽ ra hoa sớm hơn, lá ngắn, hoa tàn sớm.
Canxi
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập thành tế bào, giúp tế bào sinh trưởng một cách ổn định tạo điều kiện cho cây cứng cáp và bộ rễ phát triển. Lan rừng bị thiếu canxi sẽ làm cây kém phát triển, èo ụt, lá nhỏ. Thừa canxi sẽ khiến thân và lá có màu xanh đậm bất thường, ảnh hưởng tới tổng thể phát triển của cây nên cần điều chỉnh lại.
Lưu huỳnh
Lưu huỳnh có vai trò tạo nên nguyên sinh chất đóng vai trò là một trong các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của tế bào cây lan rừng. Biểu hiện của việc thiếu lưu huỳnh là lan sẽ cằn cỗi và vàng lá, lá nhỏ và dễ bị thối lá.
Magie
Magie đóng vai trò trong việc tạo nên diệp lục ở lan rừng giúp lan sinh trưởng ổn định. Biểu hiện lan thiếu Magie là bộ rễ phát triển mạnh, to nhưng thân cây èo ụt, yếu. Nếu thừa Magie, lá cây lan rừng sẽ nhạt màu, héo khô rất nhanh khi chịu tác động của ánh nắng.
Vitamin và khoáng chất cho lan rừng
Kết hợp phun vitamin B1 cho lan rừng nhằm kích thích mọc rễ nhanh, Vitamin C giúp cây phát triển tốt và ổn định. Có thể tăng cường khoáng chất cho lan rừng bằng cách phun nước dừa cho lan, nước dừa có rất nhiều muối khoáng, lipit 3%, gluxit 3%, protit 0.21%, B1, B6. Biotin là những thành phần cần thiết cho sự phát triển của lan rừng.
Pha 150 – 200 ml nước dừa, 800-850 ml nước, 2 gam vi khuẩn Pseudomonas và 2gam nấm Trichoderma với nhau lắc đều và phun lên các bộ phận của cây lan rừng.
Phân hữu cơ và tác dụng của nó tới sự phát triển của lan rừng
Phân hữu cơ cho lan thường là bánh dầu đậu phộng, rong biển, phân trâu bò, chim, gà, xác tôm cá nước ngọt, bã lòng mề gà vịt, trùn quế thuỷ phân. Phân hữu cơ thường nhiều đạm, Kali, Lân rất phù hợp để bón cho lan rừng với ưu điểm hiệu quả, dễ tìm, ít tốn chi phí.
Khi bón phân hữu cơ cho lan cần ngâm phân cho rã rồi lấy nước để bón, nên tưới vào sáng và kết hợp tưới với thuốc phòng bệnh cho lan.
Các chất điều hòa sinh trưởng cho lan rừng
Axit indolaxetic (IAA), axit indolbutiric (AIB) & 2,4 – D và axit naptalenaxetic (NAA) là các chất điều hòa sinh trưởng có vai trò kích thích tạo rễ.
Citokinin nồng độ 5ppm, auxin có tác dụng trong việc kích thích tạo chồi. Nước trà có tác dụng diệt khuẩn, tăng sức đề kháng cho lan rừng để chống lại mềm bệnh bên ngoài.
Một số bệnh thường gặp và cách phòng bệnh và trị bệnh cho lan rừng
Cách phòng bệnh cho lan rừng
Một số cách phòng bệnh cho lan rừng để hạn chế phát sinh sâu bệnh như sau:
- Kiểm tra cây con, đảm bảo khỏe mạnh và không bệnh trước khi trồng chung với các cây trong vườn;
- Thường xuyên dọn vệ sinh vườn, để vườn thông thoáng, ko nên trồng xen canh với cây khác;
- Không nên trồng nhiều tầng trên giàn, dễ làm sâu bệnh lây lan nhanh;
- Lưu ý thay giá thể trồng đã hư mục, thường xuyên sang chậu khi tách chiết lan;
- Kiểm tra thường xuyên để phát hiện sâu bệnh sớm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh ho lan rừng định kỳ.
Một số sâu, bệnh thường gặp ở lan rừng và các chữa trị
Một số bệnh thường gặp ở lan rừng do nấm gây ra:
- Bệnh đen thân lan rừng: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Cách phòng trị: tách những cây bị bệnh để riêng và nhúng cả cây vào thuốc trị nấm hoặc cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm.
- Bệnh đốm lá: nguyên nhân do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường găp trong mùa mưa, độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm phù hợp để trị bệnh.
- Bệnh thán thư: chủ yếu do nấm Colletotricum sp. gây ra vào mùa mưa. Thường cắt bỏ lá vàng rồi sau đó phun thuốc diệt nấm 5 - 7 ngày/1 lần.
- Bệnh thối nâu vi khuẩn: chủ yếu là vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Bệnh gây hại cả thân, lá, mầm khiến các bộ phận này bị hư thối. Dùng 1 trong những hỗn hợp: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine hoặc Mexyl + Alpine để phun lên lan phòng trị.
Một số bệnh thường gặp ở lan rừng do sâu gây hại:
- Rệp vảy: con rệp thường bám trên các thân lan rừng còn non. Dùng bàn chải chà xát thân cây rồi nhúng lan vào dung dịch Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.
- Bọ trĩ: thường gặp chủ yếu trong mùa nắng. Cách trị: dùng Malathion 5 mg/bình 1 bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/ 1 bình 8 lít nước.
Tìm hiểu nhiều hơn về cách chăm sóc lan rừng ở Bảo tồn giống lan rừng.
Hi vọng qua bài viết trên những người yêu lan và đang có nhu cầu trồng hoặc kinh doanh lan rừng sẽ có được những kiến thức cơ bản về bí quyết sử dụng dinh dưỡng và cách phòng trị bệnh trên cây lan rừng để giúp lan rừng phát triển tốt và cho hoa đẹp.
Tác giả: Nguyễn Thanh Khiết